VĂN THƠ > VĂN THƠ HỌ VƯƠNG
Bản in
"Họ Vương - thơ tuyển" - dấu ấn để lại
Tin đăng ngày:22/2/2013 - Xem:9075

Những người biên soạn đã tìm tòi, sưu tầm, tuyển chọn thơ ca của 10 đời trong họ từ năm 1760 tới nay; tập trung trong một cuốn sách đồ sộ, dày gần 1.000 trang, khổ 14,5x20,5. Sách có tên "Họ Vương - thơ tuyển". Sách in đẹp, trình bày tỉ mỉ, do NXB Văn học ấn hành năm 2012.
Facebook Twitter 0 bình chọn Viết bình luận Lưu bài này


 
Bìa cuốn "Họ Vương - thơ tuyển" do NXB Văn học ấn hành.

Trong những năm gần đây có nhiều dòng họ thu thập tư liệu, viết thành gia phả, lập cây phả hệ dòng họ mình. Có những dòng họ tìm mua khu đất có địa thế đẹp, với chất liệu đá quý hiếm xây dựng nhà thờ họ, quy tập phần mộ các cụ thành khu nghĩa trang, có tường bao với các họa tiết công phu tạo nét bề thế. Có dòng họ bằng nhiều phương tiện thông tin đại chúng, tìm mối liên hệ trong cả nước... Có dòng họ lập sổ vàng ghi lại tên tuổi, hình ảnh những anh hùng trong kháng chiến của họ mình, những người có học vị cao: Giáo sư, tiến sĩ, những học sinh đoạt giải trong các cuộc thi trong nước và quốc tế.... Đó là những hoạt động, những việc làm có đạo lý, rất đáng trân trọng.

Với họ Vương (không phải trên phạm vi cả nước) mà chỉ ở một làng - làng Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, sau khi xây dựng xong nhà thờ họ và quy tập nghĩa trang dòng họ, những người biên soạn đã lại tìm tòi, sưu tầm, tuyển chọn thơ ca của 10 đời trong họ từ năm 1760 tới nay; tập trung trong một cuốn sách đồ sộ, dày gần 1.000 trang, khổ 14,5x20,5. Sách có tên "Họ Vương - thơ tuyển". Sách in đẹp, trình bày tỉ mỉ, do NXB Văn học ấn hành năm 2012.

Cuốn sách có 2 phần chính:

1. Giới thiệu tác phẩm thơ của 28 tác giả.

2. Các bài lý luận, phê bình thơ của 8 nhà văn.

Một điều nổi bật đáng ghi nhận là Ban tuyển chọn đã dày công tìm được bốn bài thơ của bốn cụ đời thứ 5. Các đời trước cũng có người hay làm thơ, chỉ tiếc là ngày ấy thơ không in ấn xuất bản, không lưu trữ nên rơi rụng theo thời gian. Bốn cụ sinh vào cuối thế kỷ XIX hoặc đầu thế kỷ XX:

Cụ Vương Đình Uyển, ông nội nhà thơ Thạch Quỳ, còn để lại bài thơ "Trần ai ai biết". Có xuất xứ: Trong dòng họ có chàng trai luống tuổi chưa lập gia đình, nay muốn ngỏ lời với cô gái xã bên. Cụ làm hộ một bài thơ để cho gia đình cô gái hiểu được họ Vương như thế nào:

Trần ai ai có biết cho không
Làm bạn nhà Vương chẳng bận lòng...
Vì: Chữ tín, chữ trung tròn một dạ...

Cụ Vương Đình Phát, thân sinh của nhà thơ Vương Trọng thường ngẫu hứng làm những câu thơ hóm hỉnh, tinh nghịch. Tuy nhiên, bài thơ của cụ được nhiều người nhắc đến nhất là bài "Dẫn nước về" cụ viết năm hạn hán, khi thấy các giếng nước của làng đều cạn kiệt. Từ chuyện làng "mất nước", cụ nói rộng ra chuyện đất nước khi ấy:

Bao lâu mất Nước, Dân khao khát
Ai chẳng chờ mong dẫn nước về.
Ai dám bảo các cụ ngày xưa làm thơ chỉ cốt để mà chơi?

Từ lâu, các cụ nói trên đã trở thành người thiên cổ. Người họ Vương bây giờ chỉ còn lại từ đời thứ sáu trở về sau. Có điều mừng là dòng họ Vương chưa bao giờ có nhiều người làm thơ như từ nửa sau của thế kỷ XX đến nay. Đó chính là sự tiếp thu mạch văn tổ tiên truyền lại.

Đặc biệt, trong tuyển thơ này ta gặp lại nhà thơ Vương Trọng mở đầu phần nội dung thơ với 119 bài trên 244 trang sách, đóng góp phần quan trọng về số lượng, về nghệ thuật thi ca. Vương Trọng tốt nghiệp khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh là Đại tá quân đội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam . Đến nay, Vương Trọng đã xuất bản 25 đầu sách bao gồm 16 tập thơ và trường ca cùng các tập truyện ngắn, bút ký, chân dung văn học, truyện thơ, thơ dịch. Anh được nhận:

Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 2 (2007).

Giải thưởng Cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ (1969).

Hai lần Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1993, 1996).

Bốn lần Giải thưởng Bộ Quốc phòng (1989, 1994, 2005, 2010)...

Nhiều bài thơ của Vương Trọng đã ghim vào "bộ nhớ" bạn đọc. Những nỗi đau nhân tình thế thái là "mỏ quặng" đích thực của thơ anh. Ta gặp trong thơ Vương Trọng bao nhiêu cảnh đời éo le, cần chia sẻ. Cả những khoảnh khắc mong manh mà có sức ám ảnh. Ấy là khi anh đứng bên mộ cụ Nguyễn Du, là khi anh chia sẻ bao nỗi niềm cùng bà mẹ có đứa con ngoài giá thú, là khi anh bàng hoàng trước sợi tóc hai màu và còn nhiều số phận: Chị dâu, hai chị em đứa trẻ có bố mẹ ra tòa... Ta còn gặp trong thơ Vương Trọng nhân vật huyền thoại được anh nhìn bằng con mắt mới mẻ: Mỵ Châu, Tiên Dung...

Nhà thơ Thạch Quỳ (tên thật: Vương Đình Huấn) với 103 bài trên 187 trang sách, kết thúc nội dung thơ.

Thạch Quỳ tốt nghiệp khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Vinh. Anh là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng đoạt Giải thưởng cuộc thi Thơ Báo Văn nghệ năm 1972 và nhiều Giải thưởng Văn học khác.

Anh là một trong những cây bút trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và vững bước trên con đường thi ca đầy chông gai cho đến bây giờ. Bản tính thẳng thắn, khảng khái, cương trực của anh không chỉ được thừa hưởng từ gen di truyền mà còn được thừa hưởng từ các bậc tiền bối của vùng quê Nghệ - Tĩnh như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu...

Đọc thơ Thạch Quỳ, điều dễ nhận thấy nhất là cái khí chất mạnh mẽ, đầy cá tính, đầy bản lĩnh của một cây bút từng trải:

Trơ trơ tảng đá
Đá đổ mồ hôi
Biết hay không biết
Lầm lì mồ côi

(Tảng đá)

Có những bài thơ của Thạch Quỳ từng gây xôn xao thi đàn một thời. Bây giờ đọc lại vẫn thấy hay. Thơ Thạch Quỳ có nhiều bài ấn tượng như: "Qua đền Công ghi chuyện cũ", "Gạch vụn thành Vinh", "Cái đường thẳng nằm trong hình học"...

Tác giả Vương Đình Trâm, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An, ba lần Giải thưởng Thơ Bộ Lâm nghiệp (1967, 1973, 1982), Giải thưởng Văn học Nguyễn Du (1985), Giải thưởng Hồ Xuân Hương (2005).

Là cán bộ kỹ thuật Lâm trường Con Cuông (Nghệ An), hầu như trọn đời mình, anh lăn lộn với rừng, nên những bài thơ anh viết về đề tài Lâm nghiệp để lại trong lòng người đọc tình cảm sâu đậm, điều đó lý giải việc anh đã 3 lần đoạt giải thi thơ của Bộ Lâm nghiệp. Anh có những liên tưởng tinh tế:

Lá xà cừ vểnh cao tai thỏ
Đứng mơ màng nghe gió đi qua
(Gió ở vườn ươm cây vùng biển)
Bàn tay cuộn tròn thớ gỗ
(Một ngày bình thường)

Trong sách còn có nhiều tác giả là Hội viên Hội Văn học Nghệ An. Mỗi người một nét thể thiện thơ mình nhưng tất cả đều với tấm lòng nhân ái, trân trọng tình làng, nghĩa xóm, bởi 28 tác giả trong tuyển tập cùng một nơi sinh: Làng Đông Bích. Nhiều người gắn trọn đời với quê, người ít nhất cũng sống ở quê những năm học phổ thông.

Cuốn sách "Họ Vương - thơ tuyển" là dấu ấn để lại của dòng họ Vương làng Đông Bích cho con cháu…

 
Màn Sử thi nghệ thuật "LINH THIÊNG VƯƠNG TỘC VIỆT NAM"
LỄ KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ HỌ VƯƠNG ĐÌNH - XÓM PHONG PHÚ, XÃ HƯNG HÒA, TP VINH
Hé Lộ Bí Ẩn Dòng Họ VƯƠNG Khiến Các Dòng Họ Khác Sửng Sốt
Dòng họ Vương (Thủy Nguyên - Hải Phòng)
Lịch Âm Dương
Văn hóa Cà phê
Hỗ trợ trực tuyến

Vương Hoàn - 0383.84.47.47
Today: 27
All counter: 4,270,636
 
  Trang chủ | Họ Vương l Tin tức l Quỹ công đức l Họ Vương với đất nước l Văn thơ l Phong tục Việt Nam l Liên hệ
 

GIA PHẢ DÒNG HỌ VƯƠNG
Liên hệ: Ông Vương Đình Hoàn
Hưng Hòa - Tp Vinh - Nghệ an - Điện thoại: 0987516868
Website: www.giaphahovuong.com
Email: vuonghoan@vuonghoanduc.com